(xky12.com) Nuôi tôm tại vùng độ mặn thấp (<5‰) ngày càng phổ biến, nhất là ở đầu nguồn, ven ngọt hoặc nuôi vụ sớm. Tuy nhiên, đây là môi trường dễ phát sinh nhiều rủi ro kỹ thuật như: rối loạn thẩm thấu, lột xác kém, thiếu khoáng, suy giảm miễn dịch. Nguyên nhân do thiếu cân bằng ion (Ca²⁺, Mg²⁺, K⁺, Na⁺, Cl⁻...), ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh lý của tôm.

Tôm trong môi trường này thường gặp các vấn đề như: chậm lột xác, cong thân, đục cơ, mềm vỏ, chậm lớn. Vì vậy, nguyên tắc hàng đầu là bổ sung và ổn định khoáng chất ngay từ đầu vụ. Người nuôi cần chủ động tăng khoáng tổng hợp (Ca, Mg, K dạng hòa tan), dùng muối công nghiệp phối trộn để tăng độ mặn và cân bằng ion. Rải khoáng định kỳ 3–5 ngày/lần, đặc biệt sau mưa, thay nước hoặc khi tôm lột xác đồng loạt.
Nước mặn thấp cũng khiến độ kiềm thường <80 mg/L, dễ gây dao động pH mạnh ngày – đêm, làm tôm sốc. Cần duy trì kiềm ổn định 100–150 mg/L, bổ sung vôi và soda light phù hợp. Bổ sung vào ban đêm giúp ổn định pH sáng sớm.
Ao độ mặn thấp dễ bị trong nước, phát sinh rong nhớt, tảo lam. Nên gây màu sớm bằng mật rỉ + men vi sinh, giữ màu nước lục nhạt, hạn chế dùng kháng sinh – hóa chất diệt khuẩn để tránh phá vỡ cân bằng sinh học.
Phân hủy chất hữu cơ trong môi trường này chậm, dễ tích tụ NH₃, NO₂. Cần tăng cường oxy, sử dụng vi sinh phân hủy đáy, theo dõi khí độc định kỳ. Khi thay nước hoặc mưa kéo dài, bổ sung khoáng và nâng kiềm ngay để tránh sốc môi trường.
Hiểu đúng – chăm kỹ là cách tốt nhất để tránh rủi ro trong nuôi tôm vùng nước mặn thấp.
(Tổng hợp)